Từ đầu năm 2012 đến nay đã có 828 lượt với 995 người đến các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện để yêu cầu, khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan chức năng đã nhận tổng số 304 đơn các loại (nhận mới 250 đơn, tồn năm trước chuyển sang 54 đơn); đã giải quyết 170/224 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền; đơn thư tố cáo đã giải quyết 14/tổng số 28 đơn thụ lý thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giảm. Số đơn yêu cầu, khiếu nại, tố cáo nhận từ đầu năm đến nay tăng 12% so cùng kỳ; khiếu kiện đông người, vượt cấp còn xảy ra khá nhiều (38 đoàn), tăng 33 đoàn so với cùng kỳ. Số đơn khiếu nại tuy ít hơn so cùng kỳ nhưng chỉ giải quyết được 170/224 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 75,89%. Đáng lưu ý là số đơn tố cáo tăng so với cùng kỳ (14/09 đơn).
Mặc dù luôn được quan tâm, chỉ đạo giải quyết của chính quyền các cấp, song tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến khá phức tạp và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân của tình hình trên là do những vụ việc có quá trình giải quyết kéo dài, người khiếu nại, tố cáo chưa đồng tình với kết quả giải quyết nên liên tục đến trụ sở các cơ quan để khiếu nại, tố cáo tiếp. Số vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai, nhà ở… vẫn thường rất phức tạp, kéo dài, nhất là khiếu nại về giá đền bù đất cho người dân trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… người dân cho rằng còn có những bất hợp lý nên liên tục khiếu kiện. Bên cạnh đó cũng còn có một số vụ việc từ nhiều năm chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục pháp lý nên chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Đánh giá, nhìn nhận và thấy rõ tình hình cũng như nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo của công dân hiện nay là điều quan trọng, nhưng việc tìm kiếm giải pháp để giải quyết căn bản vấn đề này mới là việc có ý nghĩa quyết định. Bên cạnh những biện pháp đã và đang được UBND tỉnh và các ngành chức năng áp dụng để giải quyết như: chủ động, kịp thời giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở; tăng cường công tác xác minh, đối thoại trực tiếp với công dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu… thiết nghĩ cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần thể hiện sự quyết tâm chính trị của tất cả các ngành các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong tình hình hiện nay. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thật cụ thể (bằng một nghị quyết chẳng hạn) của cấp ủy Đảng đối với vấn đề khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời cũng rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, và sâu sát của cấp ủy Đảng; giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và của nhân dân trong công tác này.
Thứ hai, cần đổi mới tổ chức, bộ máy cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở từng cấp, từng ngành. Việc này trên thực tế đã được quan tâm nhưng chưa nhiều, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Cần thiết xây dựng một hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan tiếp công dân từ tỉnh đến, huyện, xã đúng với yêu cầu và vai trò của nó trong giai đoạn hiện nay; lựa chọn và bố trí những cán bộ có hiểu biết pháp luật, có kỹ năng, có kinh nghiệm về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ở các ngành có chức năng tham mưu cho UBND cùng cấp về công tác này cũng vậy. Đặc biệt, đối với tổ chức tư vấn cho UBND về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân phải là những cán bộ có tâm, có kiến thức pháp lý và am hiểu thực tế. Việc quyết định thành lập tổ chức này và lựa chọn cán bộ đúng với yêu cầu sẽ là yếu tố quyết định nhất cho sự ra đời của các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng đắn nhất.
Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, tiếp tục tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo sâu rộng trong nhân dân. Cần kiên trì và có sự sáng tạo, linh hoạt trong cách tổ chức thục hiện. Đó là việc cần thiết phải làm và thậm chí cần phải làm tốt hơn. Điều quan trọng là phải biết tổ chức tuyên truyền, phổ biến như thế nào? Tuyên truyền cái gì, vào thời điểm nào và bằng cách nào? Bên cạnh Luật khiếu nại tố cáo và các quy định có liên quan thì còn có nhiều văn bản pháp luật khác gắn bó mật thiết với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Vậy việc kết hợp hay lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định này như thế nào cho hiệu quả nhất? Cũng cần xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức nào giữ vị trí chủ công, đầu mối trong công tác này để tập trung chỉ đạo và xác định trách nhiệm.
Trong xã hội đang có sự vận động và phát triển năng động như nước ta hiện nay, vấn đề phát sinh khiếu kiện trong nhân dân là một tất yếu, không tránh khỏi. Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi sự quan tâm, giải quyết thấu đáo, thoả đáng của chính quyền mỗi khi có phát sinh khiếu kiện. Để hướng tới mục tiêu giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, rất cần có những quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, phù hợp quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế cuộc sống và có tính khả thi cao. Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Sơn Ca